PHƯƠNG PHÁP GIEO TRỒNG VÀ CHĂM SÓC VƯỜN RAU

  • Trang chủ

Vườn Rau Hữu Cơ Gia Đình (Bài 5)

PHƯƠNG PHÁP GIEO TRỒNG VÀ CHĂM SÓC VƯỜN RAU

Trong canh tác nông nghiệp hiện nay, có hai phương pháp gieo ươm hạt phổ biến đó là gieo hạt trực tiếp và gieo hạt gián tiếp. Tùy thuộc vào đặc điểm sinh lý và kích thước của hạt giống mà người ta có phương pháp gieo hạt phù hợp. Phương pháp gieo trồng phù hợp nhất đối với mỗi loại rau luôn được hướng dẫn chỉ định cụ thể trên bao bì khi bạn mua hạt giống từ các cửa hàng phân phối.

I/ Phương Pháp Gieo Hạt Trực Tiếp Vào Luống / Khay Trồng

Bạn có thể gieo hạt trực tiếp tại luống/khay trồng đã chuẩn bị mà bạn dự định sẽ trồng chúng. Thông thường phương pháp này thường áp dụng cho những loại rau có kích thước hạt giống lớn, do những hạt lớn dễ dàng thao tác và dễ xử lí trên luống hơn so với các loại rau có hạt giống nhỏ. Cây con sẽ nảy mầm trực tiếp trên luống và phát triển đến tận giai đoạn thu hoạch. Phương pháp này cây trồng sẽ nằm cố định mà không di chuyển đi đâu cả.

Gia cố cây rau
Gia cố cây rau

Các bước gieo hạt trực tiếp vào luống/khay trồng gồm:

  1. Đầu tiên bạn cần phải tưới nước cho bề mặt luống/khay đất trồng. Điều này sẽ giúp bề mặt đất trồng ổn định và giúp quá trình gieo hạt của bạn dễ dàng hơn. Lưu ý nên sử dụng vòi hoa sen để tưới, không dùng vòi tưới trực tiếp dễ gây xáo trộn lớp đất trồng và làm bề mặt không ổn định.
  2. Tạo hốc hoặc rãnh gieo hạt bằng cách sử dụng một cái bay hoặc ngón tay của bạn với chiều rộng hốc/rãnh khoảng 2-3 cm để có thể chứa hạt được.
  3. Tạo các hốc hoặc rãnh gieo hạt tiếp theo với khoảng cách giữa các hốc/rãnh tùy thuộc theo kích thước của loại rau bạn trồng khi lớn. Khoảng cách nhỏ đối cây kích thước nhỏ như: củ cải nhỏ, rau mùi, húng lủi, hành lá… Đối với cây rau kích thước lớn hơn như rau diếp cá, cải bắp, bạn sẽ cần gieo hạt với khoảng cách lớn hơn.
  4. Sau đó bạn có thể dùng tay hoặc bay để lấp một lớp đất mỏng vừa đủ che phủ hạt giống. Tuy nhiên cần lưu ý không để hạt nằm quá sâu sẽ làm cho hạt khó nảy mầm.
  5. Cuối cùng, sau khi hoàn thành việc che phủ hạt, bạn cần tưới phun sương lên bề mặt luống/khay trồng để giữ ẩm cho bề mặt đất trồng và kích thích hạt nảy mầm. Tránh dùng vòi tưới trực tiếp vì có thể gây xối đất, phá hủy bề mặt ổn định của lớp đất và làm trôi hoặc lộ hạt giống.

II/ Phương Pháp Gieo Hạt Gián Tiếp Bằng Khay Ươm

Phương pháp gieo hạt gián tiếp này thích hợp cho những loại rau có hạt giống kích thước nhỏ, khó thao tác nên cần chuyên môn cao và tỉ mỉ hơn. Những hạt giống sẽ được gieo trồng vào những khay ươm định hình sẵn. Cây con sẽ nảy mầm trong một hốc nhỏ có sẵn (mỗi hạt/ hốc). Các khay ươm này có thể dễ dàng vận chuyển và thao tác xử lí cây con cũng thuận tiện hơn rất nhiều so với phương pháp gieo hạt trực tiếp. Khi cây con đủ cứng cáp, người ta sẽ tách chúng mang ra trồng trên những luống/khay đất đã chuẩn bị sẵn.

Trồng cây gieo hạt gián tiếp
Trồng cây gieo hạt gián tiếp

Các bước gieo hạt trực tiếp vào luống/khay trồng gồm:

  1. Chuẩn bị khay ươm và cho đất vào khay. Tỷ lệ của hỗn hợp đất ươm trồng có thể thay đổi tùy vào loại cây. Sau đó bạn tưới nước nhẹ bằng vòi hoa sen để lớp đất ươm được ổn định.
  2. Hạt có thể được gieo vào hốc ươm bằng phương pháp thủ công tương tự gieo trực tiếp hoặc gieo hạt bằng máy.
  3. Sau khi gieo hạt vào khay bạn cần tưới phun sương nhẹ lên bề mặt khay ươm để giữ độ ẩm cho hạt.
  4. Cuối cùng bạn cũng có thể sử dụng một tấm màng nilon mỏng để che đậy, bảo vệ cây con khỏi bị sương giá vào buổi tối. Điều này tùy thuộc vào nhiệt độ và khí hậu mỗi vùng miền.

Lưu Ý Chung:

+ Một số loại cây trồng thích hợp với phương pháp gieo hạt gián tiếp như: Rau diếp, hành tây, súp lơ, bông cải xanh, cần tây, ớt, cà chua, bạc hà, dâu tây, dưa chuột…

+ Những khay ươm gián tiếp thường được gieo trồng trồng trong môi trường nhà kính để cây con được bảo vệ tốt khỏi các yếu tố môi trường như nặng mưa, sương giá.

+ Bạn cũng có thể tận dụng các dụng cụ hoặc phế phẩm từ nhà bếp để ươm cây con như: chậu nhựa, hộp giấy, hộp trứng, vỏ trứng hay bất kỳ loại nào khác có khả năng chứa tương tự.

+ Trước khi gieo hạt, bạn cũng cần phải kiểm tra và khử trùng đất ươm trồng bằng cách phủ một lớp tro thực vật mỏng lên đó để ngăn chặn dịch hại, lớp tro này khi phân hủy cũng sẽ cung cấp một lượng dinh dưỡng cho cây con. Tuy nhiên không nên dùng quá nhiều sẽ gây phản tác dụng. Bạn cũng có thể sử dụng nước đun sôi để khử trùng đất ươm.

+ Lưu ý đánh dấu tên của loại rau và ghi nhận ngày gieo trồng để tiện theo dõi và tránh gây nhầm lẫn với các loại khác khi bạn trồng với số lượng nhiều.

+ Cây giống khỏe mạnh và phát triển tốt khi được cung cấp đủ lượng nước và ko có cỏ dại cạnh tranh.

+ Nên tưới phun sương vào mỗi sáng sớm và chiều tối.

III/ Phương Pháp Vận Chuyển Và Cấy Cây Con Ra Luống / Khay Trồng (Phương Pháp Gieo Gián Tiếp)

Khi cây con phát triển đủ từ bốn lá trở lên và thân cây trở nên cứng cáp, có nghĩa nó đã sẵn sàng để được đem đi cấy ra luống/khay trồng. Cấy cây con là quá trình di chuyển cây con từ khay ươm vào luống/khay đất trồng ngoài trời.

Dưới đây là một số mẹo cấy cây con thường được người nông dân áp dụng để mang hiệu quả cho luống/khay rau của mình:

+ Chọn lựa những tươi tốt và khỏe mạnh nhất để cấy.

+ Thời điểm cấy ra luống tốt nhất là vào buổi chiều tối hoặc vào những ngày râm mát để hạn chế tối đa việc cây con bị tác động xấu bởi ánh sáng mặt trời.

+ Tưới nước đẫm cho cây con cách 1 ngày trước ngày đem đi cấy ra ngoài để tạo môi trường và điều kiện tốt nhất cho cây con có thể sớm thích nghi.

Các bước vận chuyển và cấy cây con ra luống/khay trồng:

  1. Sử dụng một cái bay hoặc muỗng nhỏ để loại bỏ bớt cây con (đối với những lỗ trồng có nhiều cây) và một ít đất từ khay ươm.
  2. Sử dụng bay, xẻng để đào các hố/rãnh trồng với chiều rộng tối thiểu 10 cm trong luống/khay đất trồng đã chuẩn bị, lưu ý khoảng cách trồng là khác nhau đối với mỗi loại rau khác nhau.
  3. Đặt cây con xuống hố trồng sao cho phần rễ cây hướng xuống dưới và xòe đều ra. Sau đó nhanh chóng phủ lớp đất trồng và ấn nhẹ quanh gốc để đảm bảo cây đứng thẳng đứng. Lưu ý lớp đất che phủ chỉ vừa đủ lấp cổ rễ cây con, không để cây nằm quá sâu hay quá nông vì đều làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.
  4. Khi bạn đã cấy xong toàn bộ cây con ra luống, tưới nước nhẹ lên bề mặt luống bằng vòi sen và lưu ý luôn đảm bảo bộ rễ được che phủ hoàn toàn.

IV/ Phương Pháp Chăm Sóc Cho Vườn Rau

Tưới nước: theo dõi bề mặt luống đất trồng và tưới nước nhẹ bằng vòi sen để giữ ẩm cho cây. Bạn có thể làm vòi tưới hoa sen bằng cách đục vài lỗ trên chai nhựa rồi gắn vào bình/vòi tưới. Lưu ý không tưới nước vào buổi trưa nắng vì có thể làm chết cây.

Làm cỏ dại: bạn cần giữ cho vườn rau của bạn sạch cỏ dại, vì chúng sẽ cạnh tranh ánh sáng và chất dinh dưỡng với các loại rau trồng. Nên nhổ và thu gom cỏ dại bằng các phương pháp thủ công, đặc biệt lưu ý không sử dụng các loại thuốc, hóa chất trừ cỏ.

Xới đất: có vai trò ý nghĩa to lớn với cây rau của bạn. Nó giúp loại bỏ bớt cỏ dại, bổ sung thêm lượng không khí vào đất cung cấp cho rễ và các vi sinh vật trong đất. Nó cũng góp phần cải thiện vấn đề thoát nước của luống rau. Bạn nên xới đất thường xuyên, nhưng cần cẩn thận không làm hỏng rễ của rau. Sử dụng một cái cào nhỏ hoặc dụng cụ xới là phù hợp nhất.

Mulching: che phủ xung khu vực quanh gốc của cây rau bằng các phế phẩm hữu cơ như cỏ khô, mụn dừa, vỏ đậu…. để giúp cây phát triển thẳng đứng, hạn chế cỏ dại, giữ ẩm và bảo vệ đất trồng bên dưới khỏi tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời. Bạn cũng có thể sử dụng thay thế bằng một chút phân xanh hữu cơ cũng mang lại hiệu quả tương tự.

Gia cố cây giúp cây phát triển tốt hơn, không bị dị tật, đồng thời giúp cây nâng đỡ hoa, trái trong giai đoạn cây đơm hoa kết trái. Đối với một số loại cây có đặc tính leo hay bò trườn như bầu, bí, mướp…. chúng cần có một giàn khung đỡ giúp cây leo, bò lên trên. Hoặc đối với những loại cây có thân mảnh khảnh như cà chua, dưa leo, đậu bắp chúng cũng cần nọc chống để giúp cây đứng vững khi trời gió bão.

Xen canh: Bạn có thể trồng nhiều loại rau củ, rau ăn lá, hoa hoặc trái cây xen lẫn cùng nhau miễn đáp ứng được nhu cầu về không gian sống cho chúng, những cần tránh trường hợp trồng quá nhiều làm các loại cây cạnh tranh dinh dưỡng với nhau làm giảm chất lượng cây.

Luân canh: Đối với một mảnh đất trồng, để bảo vệ và cải tạo đất cho những mùa vụ tiếp theo, bạn cần phải luân canh các loại cây trồng. Tốt nhất là thay đổi mỗi năm một vài loại cây trồng khác nhau. Nên trồng luân canh các loại cây họ đậu vì chúng có tác dụng cải tạo đất rất tốt.

V/ Biện Pháp Cải Tạo Đất

Vì sao luân canh cây trồng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng?

+ Luân canh nhằm mục đích để tránh làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng đất. (Bạc màu)

+ Nó cũng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh hại cây

+ Đồng thời nó cũng cải thiện và duy trì độ phì của đất

Tại sao phải bón phân cho đất sau thu hoạch?

+ Sau khi bạn đã thu hoạch sau một mùa vụ, bạn sẽ cần phải bón phân trả lại vào đất để bù lại các chất dinh dưỡng đã bị hao hụt cho mùa vụ vừa rồi. Để gia tăng dinh dưỡng đất, bạn có thể sử dụng các loại phân hữu cơ như: phân chuồng, phân xanh và phân trùn quế.

+ Đối với rau trồng trong luống/khay: Đầu tiên bạn phải lấy hết đất ra khỏi luống/khay trồng, sau đó trộn phần đất vừa lấy ra với các loại phân hữu hữu cơ và ủ chúng lại. Vậy là bạn đã chuẩn bị xong đất trồng cho vụ mùa tiếp theo. Trong quá trình canh tác, bạn cũng đừng quên bón phân cho cho đất thường xuyên bằng các loại phân hữu cơ hoặc phân xanh để duy trì mức độ dinh dưỡng ổn định.

Edit by Saigon Greenery.

Bình luận