Shop

  • Trang chủ
Sale

Cây Dừa – Dừa Cọ – Kelapa – Niyor

2.500.000 2.200.000

Tên thường gọi: Dừa – Cây Dừa – Coconut – Cocotier – Dừa Cọ – Kelapa – Niyor

Tên khoa học: Cocos nucifera L.

Tên khoa học khác: Palma cocos Mill./ Cocos indica Royle./ Cocos nana Griff.

Họ: Arecaceae (Cau/Dừa)

Quy cách cây:

+ Chiều cao tổng thể: 4.0 – 6.0m

+ Chiều cao lóng: 2.0 – 3.0

+ Đường kính tán: 2.5 – 3.5m

+ Đường kính gốc: 0.2 – 0.4m

Share:

DANH PHÁP KHOA HỌC VÀ PHÂN LOẠI CÂY DỪA – DỪA CỌ – KELAPA – NIYOR

Tên thường gọi: Dừa – Cây Dừa – Coconut – Cocotier – Dừa Cọ – Kelapa – Niyor

Tên khoa học: Cocos nucifera L.

Tên khoa học khác: Palma cocos Mill./ Cocos indica Royle./ Cocos nana Griff.

Theo một số văn tự ghi chép danh pháp ‘Cocos’ có nguồn gốc từ tiếng Bồ Đào Nha để chỉ loài khỉ, cụ thể trong đó đề cập, mô tả chi tiết rõ ràng các hình thái trên khuôn mặt của loài khỉ giống với phần sọ dừa. Ý nghĩa biểu tương của từ ‘nucifera’ hàm ý chỉ hành động ‘mang nhiều quả/hạt’, nhằm mô tả khả năng ra trái nhiều và thành chùm của cây dừa.

Họ: Arecaceae (Cau/Dừa)

Phân loại: Thực vật hạt kín (Magnoliophyta), Một lá mầm (Monocotyledon)

Chiều cao tăng trưởng tối đa được ghi nhận: 25 – 30m

Đường kính thân có thể đạt: 40 – 50cm

Đường kính tán cây tối đa được ghi nhận: 6m

Tuổi thọ: Cây lâu năm

Hình dáng sinh trưởng: Cây thân cột, cô độc, tán lá dày, xòe ra (Palm)

Môi trường sống: Trên cạn

Khí hậu: Nhiệt đới, nhiệt đới gió mùa, cận nhiệt đới.

Phân bố: Cây Dừa có nguồn gốc từ vùng phía Tây Thái Bình Dương rồi lan rộng ra khu vực nhiệt đới ở cả 2 bán cầu (Pantropical). Hiện nay cây được trồng phổ biến như một loại cây biểu tượng ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á và Hawaii. Đặc biệt trồng nhiều ở các quốc gia như: Việt Nam, Thái Lan, Mexico, Ấn Độ, Indonesia , Malaysia …

ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI CÂY DỪA – DỪA CỌ – KELAPA – NIYOR

Dừa là một cây họ Palm phát triển tương đối nhanh, thường được trồng ở vùng đồng bằng đến vùng đồi núi có độ cao lên đến 900m so với mặt nước biển, thân cây đơn độc, mảnh khảnh, không có gai nhọn, là loài cây trồng đặc trưng cho vùng bờ biển nhiệt đới, đặc trưng cho các thiên đường nghỉ dưỡng nhiệt đới với các loại cây cối tươi tốt và những bãi biển đầy cát. Cây có một số đặc điểm sau:

Thân cây Dừa mang đặc điểm tương tự với những cây họ Palm khác, nên thuộc dạng thân gỗ, thân cột lớn, rất cứng cáp và không phân nhánh. Thân cây thường cao, thon gọn, có màu xám, nổi bật với những vết sẹo trên thân ở vị trí của những bẹ lá cũ (khi lá già, nó sẽ rụng hoàn toàn khỏi thân cây, để lại một vết sẹo trên thân có hình tròn dẹt, nằm ngang). Tại một số quốc gia chiều cao tăng trưởng của cây có thể đạt đến 30m. Đường kính thân cây thường duy trì ở mức 40-50cm

Lá cây Dừa thuộc nhóm lá kép lông chim, xẻ thùy, có màu xanh nhạt khi non và xanh sẫm khi trưởng thành. Lá dày và hơi cứng, có chiều dài lên đến 5m, có bẹ, yếm, với 1 gân chính to, chiều rộng lá khoảng 60 – 80cm, trên đó mang khoảng 80 – 100 cặp lá chét nhỏ hơi láng với kích thước dài 40 – 120cm, rộng 2 – 6cm, với phần gân sáng nổi rõ, đầu lá nhọn. Chỉ số che bóng (LAI) khoảng 2.5

Hoa Dừa là loại hoa đơn tính, gồm hoa đực và hoa cái mọc thành từng cụm trên mỗi chuỗi hoa, có màu trắng kem khi chín chuyển màu vàng, hoa nhỏ tập trung thành chuỗi dài khoảng 60 – 90cm. Mỗi chuỗi hoa gồm khoảng 5 hoa cái lớn bên dưới, được đặt nằm giữa 2 hoa đực nhỏ hơn nằm ở trên, hoa đực có nhụy cái lép. Hoa đực sẽ nở trong khoảng 10 đến 20 ngày để giúp cây có thể thụ phấn chéo, trước khi hoa cái nở. Nhiều chuỗi hoa như vậy sinh ra từ 1 cuống hoa lớn và được bao bọc nằm bên trong 1 mo đồng chu rộng, dài khoảng 1,2 đến 1,6 m, màu vàng, thường mọc ra từ bên dưới nách lá. Hoa có cụm bột phấn dày, mỗi chuỗi có thể mang khoảng 6 – 12g phấn hoa, có hương thơm nhẹ, thu hút côn trùng, đặc biệt là ong, chim hút mật. Cây thụ phấn nhờ côn trùng hoặc các loài động vật nhỏ.

Quả cây Dừa thuộc dạng quả đơn, thuôn tròn, có hình trứng cụt, có chiều dài khoảng 20 – 30 cm. Khi non có màu xanh, khi chín chuyển màu vàng, khi khô chuyển màu nâu. Quả bao gồm lớp vỏ ngoài nhẵn (exocarp), bên trong là lớp vỏ xơ (mesocarp) kế đến là lớp vỏ gỗ cứng (endocarp); trong cùng là hạt có một lớp nội nhũ (thịt/cơm dừa) dày, màu trắng và khoang lớn chứa đầy nước, có thể uống được.

Rễ Dừa là loại rễ chùm thường nằm dưới mặt đất, tuy nhiên khi gặp điều kiện bất lợi, phần gốc sẽ mọc thêm một số rễ bên trên mặt đất để giúp cây hấp thụ oxi tốt hơn.

KỸ THUẬT CHĂM SÓC VÀ NHÂN GIỐNG CÂY DỪA – DỪA CỌ – KELAPA – NIYOR

Dừa là loại cây khỏe mạnh, tuy nhiên cũng cần lưu ý một số vấn đề sau để cây được chăm sóc tốt hơn:

Tốc độ sinh trưởng: Cây có tốc độ sinh trưởng ở mức trung bình.

Điều kiện ánh sáng: Cây thích hợp trồng trong điều kiện chiếu sáng toàn phần.

Điều kiện nước tưới: Cây Dừa có chế độ nước tưới vừa phải, nhưng phải luôn ẩm. Cây có khả năng chịu đựng rất tốt đối với các điều kiện khắc nghiệt ven biển. Nó cũng có thể chịu hạn tốt một khi cây đã trưởng thành và cứng cáp.

Điều kiện thổ nhưỡng: Cây thích hợp với nhiều loại đất trồng đặc biệt là với loại đất cát pha với đặc tính tơi xốp, thoát nước tốt. Cây thường được trồng ven bờ biển, ao, hồ, sông suối. Dừa khả năng thích ứng với nhiều loại đất xấu, cằn cỗi và có thể chịu được đất từ chua nhẹ đến kiềm nhẹ.

Cắt tỉa: Cây Dừa không cần phải chăm sóc, cắt tỉa nhiều. Tuy nhiên để cây luôn đẹp và khỏe, bạn chỉ cần theo dõi và cắt tỉa những lá vàng, lá khô, để kích thích cây ra lá mới và thỉnh thoảng dọn vệ sinh trên thân cây tạo thông thoáng phòng trừ các loại sâu bệnh hại.

Dinh dưỡng: Bón phân định kỳ 3 – 4 tháng một lần với các loại phân bón hữu cơ là tốt nhất cho cây, tuy nhiên cần lưu ý liều lượng vừa đủ, tránh bón quá nhiều làm cây bị suy yếu và hư tổn bộ rễ. Có thể sử dụng kết hợp các loại phân hữu cơ và phân vô cơ để đạt hiệu quả hơn.

Sâu bệnh hại: Dừa là loại cây khỏe mạnh, tuy nhiên cũng giống như nhiều loại cây họ Cau/Dừa khác, nó cũng dễ bị tấn công vào phần ngọn (cổ hủ) hay phần rễ bởi các loại ấu trùng của các loài côn trùng cánh cứng như: Đuông, sùng, bọ đen, bọ dừa…. Vì vậy bạn cần theo dõi tình trạng cây, phun hoặc treo các loại thuốc có tác dụng xua đuổi những loại côn trùng gây hại trên.

Nhân giống: Cây Dừa thường được nhân giống bằng cách ươm cây con từ quả. Quả được chọn để ươm thường là những quả đã già, được phơi khô, sau đó mang đi ươm trong chỗ mát, cây con thường nảy mầm trong khoảng từ 4 – 6 tháng.

CÔNG NĂNG TRONG CẢNH QUAN CỦA CÂY DỪA – DỪA CỌ – KELAPA – NIYOR

Dừa là loài cây biểu trưng cho vùng nhiệt đới có ưu điểm như cây khỏe mạnh, chịu hạn, chịu mặn tốt, thân to, tán lá đẹp, có hoa thơm và quả đẹp và có thể ăn uống được nên thường được sử dụng nhiều trong trang trí cảnh quan:

Cảnh quan sân vườn: Cây thường được chọn làm cây điểm nhấn trang trí để mang hơi thở nhiệt đới vào trong các khu vườn, khoảng sân, tiểu cảnh. Với tán lá rộng và dày, cây còn được trồng để làm cây bóng mát, cây trang trí cho các resort ven biển.

Cảnh quan đô thị: ở các vườn tự nhiên, công viên, vỉa hè hay dải phân cách cây Dừa được trồng khá nhiều để trang trí hoặc làm bóng mát trong các đô thị. Khi trồng trong đô thị cần lưu ý cây có quả to khi rụng dễ gây chấn thương cho người hay tai nạn trên đường phố, vì vậy cần lưu ý xử lí khi cây ra hoa và kết trái.

Nghệ thuật Bonsai: Hiện nay quả dừa còn được một số nghệ nhân xử lí, chăm sóc để cho ra đời những cây dừa bonsai có kiểu dáng rất độc đáo, thường dùng làm cây trang trí trong nhà hay cây để bàn cũng rất đẹp.

CÔNG DỤNG KHÁC CỦA CÂY DỪA – DỪA CỌ – KELAPA – NIYOR TRONG ĐỜI SỐNG

Cây Dừa mang đặc trưng cho vùng thôn quê ở miền Tây và miền Trung nước ta, nó có giá trị tinh thần to lớn từ xa xưa đến nay trong nhiều gia đình Việt. Cây Dừa được người dân tận dụng hầu như toàn bộ cây để sử dụng như một loại dược liệu, thức ăn hoặc gia vị trong đời sống hằng ngày với các công dụng sau:

Quả tươi chứa nhiều nước bên trong có thể uống dùng làm nước giải khát hoặc dùng để nấu ăn, phần cơm dừa cũng có thể dùng để ăn. Phần xơ dừa của vỏ quả có thể dùng để đan làm thảm lau chân, dây thừng, bàn chải hoặc làm giá thể rất tốt cho việc trồng cây.

Phần gáo dừa khô cứng thường được sử dụng làm đồ múc nước, hoặc bi đông đụng nước.

Phần cơm dừa của quả khô được người ta chế biến thành các loại mứt, kẹo, vắt lấy nước để nấu món cà ri hoặc chè. Ngoài ra phần cơm dừa còn được chiết xuất làm thành các loại dầu dừa, điều trị một số bệnh về da, làm mượt tóc hoặc làm xà phòng, chất bôi trơn, nguyên liệu chất nổ và làm dầu thực vật. Phần xác dừa còn lại sau khi được chiết xuất cũng có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Ngọn dừa (cổ hủ dừa) cũng được dùng để chế biến các món ăn như gỏi, rau trộn…

Phần nhựa hoa tươi chiết xuất từ hoa dừa ngọt, thơm, thanh đạm và tốt cho sức khỏe, thường được dùng làm thức uống hoặc thay thế sữa cho trẻ em, ngoài ra nó còn được dùng để chế biến thành rượu dừa.

Nước Dừa có thể dùng để hạ nhiệt cơ thể, trị sốt, đau đường tiểu, rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra nước dừa cũng là một nguyên liệu trong nghiên cứu nuôi cấy mô.

Lá cây Dừa thường được xé nhỏ, dùng để nhồi nệm, gối. Lá còn được dùng làm đồ mỹ nghệ như đan làm chiếu, giỏ, màn, quạt, rổ, rế. Ngoài ra người ta còn sử dụng lá cây làm chổi, phao câu cá. Ở vùng nông thôn người ta thường dùng lá dừa để trang trí cho cổng của các đám cưới. Lá còn được dùng để gói bánh hoặc gấp xếp thành đồ chơi cho trẻ em nông thôn. Lá khi phơi khô còn dùng để lợp mái nhà,

Gỗ cây Dừa thường được xẻ ra, đem sấy ngồi ngâm dưới nước, sau đó mang đi chế biến thành gỗ ván làm cầu hoặc xây nhà ở vùng nông thôn. Gỗ Dừa cũng được nghệ nhân chế biến thành một số đồ thủ công mỹ nghệ: bàn, ghế, tủ, giường hay đồ gia dụng: muỗng, đũa, chạo, muôi…

Rễ Cây Dừa có thể điều trị rối loạn điều tiết ở tử cung, viêm cuống phổi, đau gan và bệnh kiết lị.

Thông tin trong trang web www.saigongreenery.com hay www.saigontree.com này đã được tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy, gồm các công trình tham khảo về cây thuốc. Nó không thay thế cho tư vấn y tế hoặc điều trị và Saigon Greenery không có ý định cung cấp bất kỳ lời khuyên y tế nào. Độc giả nên luôn luôn tham khảo ý kiến ​​bác sĩ của mình trước khi sử dụng hoặc tiêu thụ một loại cây cho mục đích y học.

Edit by Saigon Greenery.

Bình luận