Vườn Rau Hữu Cơ Gia Đình (Bài 2)
Bổ Sung Kiến Thức Cần Thiết Trước Khi Trồng Rau Tại Nhà
Trước khi bắt đầu làm một vườn rau tại nhà, bạn nên tham gia một cộng đồng hoặc một nhóm trên mạng xã hội gồm những người có cùng sở thích trồng rau để học hỏi thêm kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, có thêm nhiều động lực để bắt đầu, đồng thời tăng khả năng thành công hơn. Bạn cũng nên tham khảo các sách báo hoặc các tài liệu hướng dẫn trồng rau trên internet.
Bạn cũng có thể lập một nhóm ở khu vực bạn sống và mời những người thân trong gia đình, hàng xóm xung quanh có nhu cầu như bạn tham gia. Nhóm của bạn có thể bắt đầu lập kế hoạch, thảo luận cùng nhau về khu vườn của mỗi người để đưa ra giải pháp thực hiện tối ưu nhất. Điều này sẽ xây dựng sự đoàn kết, phân bổ khối lượng công việc, bổ sung kiến thức hữu ích giúp bạn tránh những sai lầm không đáng có và gia tăng sự thi đua với nhau giữa các thành viên bởi các hoạt động mang tính cộng đồng của nhóm.
Bạn và các tình nguyện viên có thể giúp đỡ lẫn nhau để thực hiện khu vườn của mình và người khác. Cha mẹ nên hướng dẫn và cùng con cái làm vườn và xem nó như một bài tập về nhà với bọn trẻ. Những thành viên trong nhóm có thể tham quan vườn rau của nhau và cùng nhau tham gia các cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, hội chợ nông sản để cập nhật thêm kiến thức, phương pháp canh tác, giống cây mới….
Ngoài ra, bạn cũng có thể liên hệ với các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp ở khu vực bạn sống như Saigon Greenery, các chuyên gia về canh tác hữu cơ để nhận được sự tư vấn, giúp đỡ, hợp tác, cung cấp vật tư, thiết bị giúp công việc làm vườn của bạn dễ dàng hơn.
Chuẩn Bị Các Vật Tư Và Công Cụ Làm Vườn
1. Đất Trồng Tốt
Để có thể bắt đầu xây dựng một vườn rau hữu cơ cái bạn cần chuẩn bị đầu tiên là đất trồng, bạn không cần phải chuẩn bị quá nhiều đất bởi vì hầu hết các loại rau là loại cây ngắn ngày và có bộ rễ phát triển khá nông. Bạn chỉ cần chuẩn bị lượng đất vừa đủ để cây có thể sống và phát triển đến thời điểm thu hoạch.
Đất là môi trường sinh sống, phát triển của cây và vi sinh vật trong đất. Nó cũng là điểm khởi đầu cho một chuỗi chu trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong đất để cây hấp thụ và lớn lên Đất trồng luôn là sự ưu tiên hàng đầu của bất cứ người làm vườn nào.
Đất trồng được xem là tốt là khi nó đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Làm cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt
+ Không chứa các mầm bệnh gây hại.
+ Giàu mùn và chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây.
Nên lưu ý sử dụng loại đất trồng hữu cơ tự nhiên, được phối trộn từ đất thịt, các giá thể từ phế phẩm nông nghiệp và phân hữu cơ theo một tỷ lệ nhất định sẽ mang lại nguồn dinh dưỡng tốt cho cây rau. Bạn có thể mua những loại đất trồng đã được phối trộn sẵn hoặc mua từng thành phần về rồi tự tay trộn.
2. Giống Rau Tốt
Điều mà bạn cần quan tâm đến tiếp theo là lựa chọn giống rau trồng phù hợp (khí hậu, mùa vụ, tài chính, loại rau bạn ưa thích…), bạn có thể bắt đầu với những loại dễ trồng trước và dần dần thử sức với những giống rau khó trồng hơn. Hạt giống là nguồn gốc tiền đề của mỗi cây rau mà chúng ta gieo trồng trong khu vườn của mình. Cách tốt nhất để có những cây rau khỏe mạnh, tươi tốt là để giữ lại những hạt giống từ cây mẹ hoặc từ loại quả mà bạn mong muốn. Bạn cũng có thể mua chúng từ các cửa hàng vật tư nông nghiệp có uy tín.
Hạt giống tốt phải đạt các yêu cầu như:
+ Sạch, nguyên vẹn, không mang mầm bệnh.
+ Tỷ lệ nảy mầm cao và nảy mầm nhanh.
+ Có khả năng kháng được các loại sâu bệnh hoặc bệnh cây thường gặp.
Bạn có thể mua hạt giống về tự ươm trồng hoặc cũng có thể mua cây con từ những cửa hàng cây giống để trồng.
Khay và chậu trồng rau
Chúng tôi khuyến khích bạn nên sử dụng khay hoặc chậu trồng vì chúng rất tiện lợi và phù hợp với diện tích không gian nhỏ của hộ gia đình. Với những bạn mới bắt đầu trồng, bạn có thể bắt đầu với bốn khay rau cải, rau muống hoặc một trồng vài cây cà chua trong những chậu lớn, vì đây là những loại rau dễ trồng. Khi bạn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bạn có thể tăng số lượng khay và chậu rau của mình lên và có thể thử sức với diện tích trồng lớn hơn, hãy tự đặt ra thử thách cho mình sau mỗi mùa vụ nhé. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các mô hình trồng rau hiện đại như thủy canh, khí canh.
3. Dụng Cụ Làm Vườn Cơ Bản
Xây dựng một vườn rau cũng như bạn làm bất cứ công việc gì khác, bạn cũng phải cần những dụng cụ hỗ trợ cho công việc của mình. Khi có được những dụng cụ làm vườn tốt bạn sẽ nâng cao hiệu quả canh tác, tiết kiệm thời gian và công việc sẽ dễ dàng hơn. Sau đây là một vài dụng cụ làm vườn cơ bản bạn cần phải có:
Bay/Xẻng nhỏ: Đây là một dụng cụ tiện dụng có thể sử dụng cho nhiều mục đích như: vận chuyển phối trộn đất trồng, di chuyển cây con đến khay trồng, xử lí rễ khi thu hoạch…
Cuốc: được sử dụng để làm cỏ dại, xới và làm tơi đất trồng. Nó cũng là một công cụ hữu ích cho quá trình thu hoạch hoặc sau thu hoạch.
Kéo cắt cành: phải vừa với tay bạn, tạo sự thoải mái khi sử dụng. Nó sẽ giúp bạn cắt tỉa cây, xử lí các mầm bệnh trên lá, cành, thân. Nó cũng là một công cụ giúp quá trình thu hoạch được nhanh, gọn và ít làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cây. Cần lưu ý giữ cho kéo cắt cành của bạn sạch sẽ, không bị nhiễm trùng sẽ gây ra các bệnh về nấm và vi khuẩn cho cây rau.
Cào cỏ: Dụng cụ này thường được dùng để làm cỏ xung quanh cây rau và làm tơi lớp đất mặt, bổ sung không khí cho đất và rễ cây.
Bình tưới nước: Sử dụng bình tưới để chăm sóc và tưới nước cho vườn rau của bạn sẽ tốt hơn dùng nước trực tiếp từ vòi bơm, bởi vì những cây rau với bộ rễ nông sẽ dễ bị ngã và lộ rễ khi bạn tưới nước với áp lực mạnh.
Bình xịt phun sương: dùng để phun thuốc bổ sung vi lượng cho cây hoặc phòng trừ các loại sâu bệnh. Cần lưu ý chỉ nên dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học, có nguồn gốc từ tự nhiên, để đảm bảo vườn rau hữu cơ đúng nghĩa. Một tác dụng khác của việc tưới phun sương chính là bạn có thể rửa lớp bụi bẩn bám trên bề mặt lá, và duy trì được độ ẩm xung quanh vườn rau của mình.
Lưu ý: Những dụng cụ này thường được người lớn sử dụng. Để đảm bảo an toàn khi cho trẻ em sử dụng, cần có sự giám sát của người lớn đi kèm.
Mỗi một cây trồng hay các loài sinh vật đều có tầm quan trọng và tác động qua lại với nhau, bạn nên tự khám phá và học hỏi xem để biết loại sinh vật nào là tốt, sinh vật nào là xấu đối với vườn rau của mình, từ đó có phương án xử lí kịp thời những tác nhân gây hại. Hãy luôn dành sự quan tâm cho vườn rau của bạn và bạn sẽ gặt hái được trái ngọt.
Edit by Saigon Greenery.
Bình luận