DANH PHÁP KHOA HỌC VÀ PHÂN LOẠI CÂY DÂY LEO CÚC TẦN ẤN ĐỘ – DÂY BẠC ĐẦU – DÂY DỌI
Tên thường gọi: Cúc Tần Ấn Độ – Cúc Tần – Dây Cúc Tần – Dây Leo Cúc Tần – Dây Bạc Đầu – Dây Dọi.
Tên khoa học: Vernonia elliptica DC.
Danh pháp Vernonia được đặt tên nhằm vinh danh William Vernon, một nhà thực vật học và nhà sưu tầm người Anh.
Họ: Asteraceae (Cúc)
Phân loại: Thực vật hạt kín (Magnoliophyta), Hai lá mầm (Dicotyledon)
Chiều dài tăng trưởng tối đa: 1.5 – 2m
Đường kính tán tối đa: 0.2 – 0.4m
Tuổi thọ: Cây lâu năm
Hình dáng sinh trưởng: Cây dạng leo bám, buông rũ, bò trườn.
Môi trường sống: Trên cạn
Khí hậu: nhiệt đới gió mùa, cận nhiệt đới.
Phân bố: Cây Cúc Tần Ấn Độ có nguồn gốc là loài bản địa của Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á và Nam Á. Hiện nay, cây được trồng nhiều ở các quốc gia như: Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan… Và một số quốc gia Châu Mỹ như: Mỹ, Brazil….
ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI CÂY DÂY LEO CÚC TẦN ẤN ĐỘ – DÂY BẠC ĐẦU – DÂY DỌI
Thân Cúc Tần Ấn Độ là một loại cây bụi leo rũ, có thân mảnh khảnh và thuộc nhóm cây thân thảo, có màu xanh với nhiều lông nhỏ li ti màu trắng, có khả năng bám dính. Cây thường sinh trưởng chiều dài theo đỉnh sinh trưởng hướng về ánh sáng mặt trời, khi thân cây nặng sẽ buông rũ xuống đất.
Lá Cúc Tần Ấn Độ là loại lá đơn, mọc cách, thường xanh, có màu xanh hoặc xanh bạc, hình mũi mác hoặc elip, hơi thuôn dài khoảng 4 – 6cm, đầu lá nhọn, có một số răng cưa, gân lá sáng phân bố theo hình mạng. Lá thường mọc xen kẽ cách đều nhau trên 1 đoạn thân dài rủ xuống đất.
Hoa của cây Cúc Tần Ấn Độ thuộc dạng hoa cụm lưa thưa, có màu trắng hồng trên nách cuống lá, thường có nhiều phấn hoa trên đầu.
Quả cúc tần Ấn Độ có dạng nang tròn, hình chùy, gồm 5 thùy, màu trắng khi chín chuyển sang màu nâu vàng, kích thước khoảng 1-3cm, chứa hạt bên trong.
Rễ Cúc Tần Ấn Độ nằm dưới mặt đất, chủ yếu là rễ chùm. Rễ sinh trưởng tốt với nhiều loại đất trồng có độ ẩm và đặc biệt phải thoát nước tốt.
KỸ THUẬT CHĂM SÓC VÀ NHÂN GIỐNG CÂY DÂY LEO CÚC TẦN ẤN ĐỘ – DÂY BẠC ĐẦU – DÂY DỌI
Cúc Tần Ấn Độ là một loại cây bụi đẹp và dễ trồng cây có một số đặc tính cần lưu ý sau:
Tốc độ sinh trưởng: Cây có tốc độ sinh trưởng ở mức nhanh.
Điều kiện ánh sáng: Cây Cúc Tần Ấn Độ là loại cây có nhu cầu chiếu sáng toàn phần. Cây được trồng ngoài trời sẽ phát triển mạnh và xanh tốt hơn so với trồng ở khu vực thiếu ánh sáng.
Điều kiện nước tưới: Cây có chế độ nước tưới ở mức trung bình đến nhiều. Vì là cây thuộc dạng thân thảo nên cây cần được cung cấp nước ở mức vừa phải, không quá ít làm cây khô héo, không quá nhiều gây úng, thối rễ làm chết cây.
Điều kiện thổ nhưỡng: Cây đặc biệt thích hợp với các loại đất trồng hữu cơ có độ ẩm tương đối và thoát nước tốt. Cây cũng có thể thích nghi được với các loại đất xấu, cằn cỗi, khô hạn.
Cắt tỉa: Vì là loại cây phát triển nhanh, mạnh, có xu hướng rụng lá chân, nên bạn cần cắt tỉa cây định kỳ (2-3 tháng/lần) để kích thích cây đâm chồi, nhánh mới, để cây luôn xanh tốt và dày đặc, khắc phục nhược điểm mảnh khảnh của thân cây.
Dinh dưỡng: Bón phân liều lượng vừa đủ mỗi tháng một lần với các loại phân bón hữu cơ kết hợp phân bón vô cơ là tốt nhất cho cây. Tuy nhiên cần lưu ý, tránh bón quá nhiều dễ làm cây bị cháy thân và rễ, làm suy yếu và hư tổn bộ rễ. Bạn có thể bón phân với liều lượng ít nhưng chia thành bón nhiều đợt. Có thể sử dụng phân bón qua lá cũng mang lại hiệu quả cao.
Sâu bệnh hại: Cúc Tần Ấn Độ vào mùa mưa thường bị tấn công bởi một số loại sâu ăn lá và chồi non hoặc một số loài rệp, bọ bám hút nhựa cây (Rệp sáp, bọ trĩ). Cần theo dõi và phòng trừ các loại sâu rệp trên định kỳ (1 tháng/lần), để cây luôn khỏe mạnh, xanh tốt.
Nhân giống: Cây Cúc Tần Ấn Độ rất dễ nhân giống, tỷ lệ sống cao. Cây thường được nhân giống bằng cách giâm cành bằng những đoạn thân nhỏ khoảng 10-15cm.
CÔNG NĂNG TRONG CẢNH QUAN CỦA CÂY DÂY LEO CÚC TẦN ẤN ĐỘ – DÂY BẠC ĐẦU – DÂY DỌI
Cúc Tần Ấn Độ là loại cây bụi leo rũ đẹp, như một dải lụa, thường xanh, dễ trồng và chăm sóc, có khả năng thích nghi với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới nên thường được sử dụng trong trang trí cảnh quan như trồng thành mảng, hàng rào xanh, mái vòm, mái chòi nghỉ trong các tiểu cảnh sân vườn, vườn tự nhiên, công viên, resort.
Cây thường được trồng trên cao để cây buông rũ xuống tạo thành một bức màn che bớt ánh nắng, hạn chế tầm nhìn hay trang trí trên các bức tường thô cứng quanh nhà, tạo mảng xanh mang cảm giác thoải mái cho gia đình. Ngoải ra cây còn được trồng trong các chậu treo làm cây trang trí quán cà phê, nhà hàng.
CÔNG DỤNG KHÁC CỦA CÂY DÂY CÚC TẦN ẤN ĐỘ – DÂY LEO BẠC ĐẦU – DÂY DỌI TRONG ĐỜI SỐNG
Bên cạnh công năng làm trang trí cảnh quan sân vườn, Cúc Tần Ấn Độ còn mạng lại một số lợi ích như: Điều hòa nhiệt độ quanh nhà, giảm bớt ánh nắng và bức xạ nhiệt, hấp thụ tiếng ồn từ đô thị, hạn chế bức xạ điện từ từ môi trường xung quanh, làm môi trường sống xanh, sạch, đẹp hơn cho ngôi nhà hay văn phòng làm việc của bạn.
Thông tin trong trang web www.saigongreenery.com hay www.saigontree.com này đã được tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy, gồm các công trình tham khảo về cây thuốc. Nó không thay thế cho tư vấn y tế hoặc điều trị và Saigon Greenery không có ý định cung cấp bất kỳ lời khuyên y tế nào. Độc giả nên luôn luôn tham khảo ý kiến bác sĩ của mình trước khi sử dụng hoặc tiêu thụ một loại cây cho mục đích y học.
Edit by Saigon Greenery.
Bình luận