Vai Trò Của Giun Đất Với Canh Tác Nông Nghiệp

  • Trang chủ

I/ Giun Đất Là Con Gì?

Giun đất (Earth worms) là loài động vật không xương sống, thuộc phân lớp Oligochaeta (giun ít tơ), họ Megascolecidae (giun đất). Giun đất có mặt ở khắp nơi trên thế giới, tập trung hầu hết ở các khu vực đất trồng ở vùng ôn đới và nhiệt đới. Chúng được chia thành 23 họ, hơn 700 chi và hơn 7.000 loài. Ở Việt Nam, theo Trung tâm nghiên cứu động vật đất (Trường Đại hoạc Sư phạm Hà Nội) thì chúng ta đã ghi nhận trên 170 loài. Chúng phân bố rất rộng và có nhiều đặc tính khác nhau. Một số loài sống trong nước, còn đa số sống ở những nơi đất ẩm hoặc những chỗ có thảm thực vật dày. Có những loài rất nhỏ, cơ thể chỉ nặng khoảng 10mg.

Vai trò của giun đất với canh tác nông nghiệp
Vai trò của giun đất với canh tác nông nghiệp

II/ Đặc Điểm Loài Giun Đất

Giun đất có kích thước nhỏ dài từ khoảng 2cm cho đến 2m và được tìm thấy theo từng độ sâu khác nhau trong đất. Chúng không có phổi, hô hấp qua da và không có mắt, thay vào đó chúng sử dụng các thụ thể trên da để cảm nhận ánh sáng và môi trường xung quanh. Giun đất có năm tim “giả” để có thể bơm máu qua cơ thể. Chúng là loài lưỡng tính, một cá thể giun có thể là con đực hoặc cái.

Hệ thống bài tiết của chúng bao gồm một cặp ở mỗi đốt. Các cơ quan này bảo đảm cho việc bài tiết các chất thải dưới dạng Amoniac và Ure. Giun đất nuốt thức ăn bằng môi ở lỗ miệng. Thức ăn sau khi qua hệ thống tiêu hoá với nhiều vi sinh vật sống cộng sinh, chúng thải phân ra ngoài và những vi sinh vật cộng sinh có ích trong hệ thống tiêu hoá này cũng theo phân ra khỏi cơ thể giun nhưng vẫn còn hoạt động ở màng dinh dưỡng trong một thời gian dài. Trùn quế được đánh giá cao trong sản xuất nông nghiệp. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường dinh dưỡng, cải thiện kết cấu đất trồng nâng cao tình trạng phát triển của cây trồng.

Sự phân bố của giun đất thể hiện mối quan hệ chặt chẽ với những dạng sinh cảnh (biotop) ngay trong một khu vực. Môi trường sinh sống của Giun đất trong tự nhiên có thể chia ra làm 5 loại cơ bản như sau:

– Sinh cảnh ruộng lúa và bờ mương.

– Sinh cảnh vườn trồng cây lâu năm.

– Sinh cảnh đất bờ trên đường.

– Sinh cảnh đất trồng cây ngắn ngày.

– Sinh cảnh đất trống ẩm ướt và bãi rác.

III/ Phân Loại Giun Đất Phổ Biến Thường Gặp

Giun đất thường được chia thành ba nhóm chính dựa trên tập tính kiếm ăn và đào hang của chúng. Tất cả ba nhóm đều rất phổ biến và có vai trò quan trọng đối với các lớp cấu trúc đất. Ba nhóm đó bao gồm:

Loài Giun Epigeic: là nhóm các loài giun có tập tính sống và kiếm ăn trên lớp đất bề mặt và trong các bãi rác. Những loài này sống trong lớp đất mỏng và xung quanh khu vực có nhiều xác thực vật, phế phẩm hữu cơ hay chất thải động vật trên mặt đất. Chúng thường có kích thước nhỏ, thích nghi tốt với điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thay đổi thường xuyên trên mặt đất. Những loại giun được tìm thấy trong các lớp phân ủ hữu cơ đều thuộc nhóm epigeic và chúng không có khả năng tồn tại trong điều kiện môi trường chất hữu cơ thấp. Đây là nhóm giun giàu đạm thường được dùng để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy, hải sản… Bên cạnh đó, ngày nay ở các nước tiên tiến trên thế giới như: Canada, Mỹ, Úc, Nhật…người ta sử dụng nhóm giun này để xử lý chất thải nông nghiệp và công nghiệp nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường.

Loài Giun Endogeic: là nhóm các loài giun nội sinh trong đất. Chúng bao gồm một số loài có tập tính di chuyển ngang và sống ở tầng đất gần bề mặt (sâu hơn loài Epigeic). Chúng ăn chủ yếu các chất hữu cơ và các hạt khoáng chất trong đất. Chúng không có hang vĩnh viễn, khi di chuyển chúng đào thải qua ruột của mình các hạt phân làm lấp đầy hang của mình.

Loài Giun Anecic: Là nhóm những loài giun có kích thước lớn nhất, quai hàm khỏe, sống sâu trong lớp đất. Loại giun đất này thường sống ở các hệ thống hang đào vĩnh viễn do chúng đào, có thể kéo dài tới vài mét sâu trong đất. Chúng có thường kéo các loại rác hữu cơ trên mặt đất vào trong hang và ăn dần, chúng cũng tiêu thụ các loại khoáng chất trong đất. Vào ban đêm chúng thường di chuyển lên mặt đất vào bắt cặp sinh sản. Chúng giúp phân hủy các chất hữu cơ và tạo ra phân trùn (gồm đất mùn được bài tiết và các hạt khoáng) chặn phần miệng hang lại. Chúng rất có lợi cho việc cải tạo đất. Nhóm trùn này có kích thước lớn nên người ta còn sử dụng làm mồi câu cá.

IV/ Vai Trò Của Giun Đất Trong Canh Tác Nông Nghiệp

Giun đất là loài động vật vô hại, chúng là những cư dân có lợi cho đất. Giun đất ăn, tiêu thụ và phân hủy chất hữu cơ thành đất mùn, từ đó góp phần hỗ trợ sự phát triển của cây trồng. Chúng cũng đào các lỗ nhỏ trong quá trình di chuyển trong đất và tạo ra các lỗ thông khí, góp phần cung cấp không khí và giúp thoát nước trong đất tốt hơn.

Vai trò của giun đất với canh tác nông nghiệp
Vai trò của giun đất với canh tác nông nghiệp

Bằng các hoạt động của mình trong đất, giun đất mang lại nhiều lợi ích như:

+ Cải thiện khả năng cung cấp chất dinh dưỡng: Giun đất tiêu thụ phế phẩm hữu cơ (lá, thân, rễ cây khô, xác cỏ, phân chuồng). Hệ thống tiêu hóa của giun đất giúp tổng hợp các thành phần hữu cơ và khoáng chất trong thức ăn của chúng, sau khi thải ra ngoài, phân của giun đất rất giàu chất dinh dưỡng dễ tiêu giúp cây trồng dễ hấp thụ hơn so với lượng dinh dưỡng tiềm tàng trong đất. Khi chết cơ thể giun cũng sẽ phân hủy nhanh chóng, góp phần bổ sung vào hàm lượng Nitơ trong đất. Một nghiên cứu của New Zealand cho thấy phân giun giải phóng lượng phốt pho nhiều gấp bốn lần so với đất bề mặt. Giun đất thường để lại các lớp phân giàu chất dinh dưỡng trong các hang đào của chúng, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của rễ cây. Các hang đào của chúng cũng cho phép rễ xâm nhập sâu hơn vào đất, nơi cây có thể dễ dàng hấp thụ được thêm nước và các chất dinh dưỡng. Các hang đào của giun đất cũng giúp đưa vôi và phân bón trên bề mặt đi vào đất dễ dàng hơn.

+ Cải thiện hệ thống thoát nước: Với việc di chuyển tạo hệ thống hang sâu và dày đặc của mình, giun đất tạo độ tơi xốp, thông thoáng giúp thoát nước tốt hơn. Đất trồng có sự xuất hiện của giun đất giúp thoát nước nhanh hơn tới 10 lần và có thể giữ ẩm gấp 6 lần so với đất trồng không có chúng.

+ Cải thiện cấu trúc đất: Giun đất tiêu thụ các chất hữu cơ và khoáng chất trong đất thành các hạt phân trùn có kích thước nhỏ với cốt liệu ổn định. Những lớp phân trùn này có thể giữ độ ẩm trong đất mà không cần phân tán nước. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng giun đất để lại phân của chúng trên bề mặt đất giúp tái cấu trúc lại lớp đất mặt. Trong điều kiện thuận lợi, chúng có thể mang lại khoảng 50 tấn phân/ha mỗi năm năm, đủ để tạo thành một lớp mùn hữu cơ dày 5 mm. Một thử nghiệm cho thấy những con giun đất có thể tạo ra lớp đất mặt dày khoảng 18 cm trong vòng 30 năm.

+ Cải thiện năng suất cây trồng: Nghiên cứu về giun đất ở New Zealand và Tasmania cho thấy rằng giun đất giúp gia tăng 70 – 80% năng suất của đồng cỏ. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những đồng cỏ năng suất cao nhất trong các thử nghiệm có tới 7 triệu con giun trên một ha, trọng lượng nặng khoảng 2,4 tấn. Có một mối tương quan chặt chẽ giữa năng suất đồng cỏ và tổng trọng lượng giun, với tỷ lệ khoảng 170 kg giun đất cho mỗi tấn sản phẩm cỏ khô hàng năm.

V/ Hướng Dẫn Cách Gia Tăng Số Lượng Giun Đất Nhanh Nhất

Giun đất không thích hợp với các loại đất xấu như: quá chua, quá mặn, quá khô, quá nóng hay quá lạnh, nên sự hiện diện của chúng là một dấu hiệu giúp bạn nhận diện được điều kiện đất trồng là thích hợp cho sự phát triển của cây. Một số phương pháp giúp duy trì và gia tăng số lượng giun đất như:

–  Duy trì chỉ số pH đất (CaCl2) ở mức trung tính: Giun đất không thích các loại đất chua có pH (CaCl2) dưới 4,5. Việc bổ sung vôi bột nông nghiệp làm tăng pH đất và cũng bổ sung canxi cho đất. Giun đất cần một nguồn cung cấp canxi liên tục, vì vậy chúng sẽ không xuất hiện nếu đất có hàm lượng ít nguyên tố này. Nghiên cứu ở miền Nam nước Úc cho thấy số lượng giun đất tăng gấp đôi khi pH (CaCl2) duy trì ở mức 4,1 đến 6,7.

– Tăng lượng chất hữu cơ: Thức ăn ưa thích của giun đất là các phế phẩm hữu cơ như: xác thực vật, động vật thối rữa, rơm, rác lá và rễ cây khô. Chúng là tác nhân chính trong việc đưa các loại phế phẩm hữu cơ trên vào đất, làm cho các phế phẩm này dễ phân hủy hơn bởi các vi sinh vật trong đất. Phân từ các loài động vật cũng là một nguồn thực phẩm ưa thích của nhiều loài giun đất. Các biện pháp canh tác sau đây sẽ góp phần bổ sung lượng phế phẩm hữu cơ cho chúng.

Vai trò của giun đất với canh tác nông nghiệp
Vai trò của giun đất với canh tác nông nghiệp

– Tạo thảm cỏ nền: Thảm cỏ nền cung cấp chất hữu cơ khi lá và rễ già đi.

– Xen canh các loại cây có đặc tính cải tạo đất (các loại cây họ đậu).

– Duy trì cây bụi thấp trong vườn. (Cung cấp sinh khối từ việc cắt tỉa)

– Luân canh sau mỗi mùa vụ.

– Giảm sử dụng một số loại phân bón hóa học và thuốc diệt nấm: Các loại phân bón hóa học có tính axit cao như ammonium sulfate và một số loại thuốc diệt nấm sẽ làm giảm số lượng giun. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những vườn cây được phun bằng bordeaux hoặc các loại thuốc diệt nấm gốc đồng khác có ít giun đất hơn và có và làm cho cấu trúc lớp đất bề mặt xấu.

– Giữ ẩm cho đất: Giun đất thường sử dụng 20% trọng lượng cơ thể mỗi ngày cho việc sản sinh chất nhầy vào phân của chúng, vì vậy chúng cần lượng nước nhất định để sống. Các phế phẩm hữu cơ phân hủy (mùn) giúp giữ độ ẩm trong đất rất tốt với giun đất. Vào giai đoạn khô hạn, một số loài giun đất di chuyển sâu vào đất và “ngủ đông” cho đến khi mùa mưa “kích hoạt” lại chúng.

– Cải thiện hệ thống thoát nước: Giun đất cần đất trồng tương đối thông thoáng, do đó bạn cần đảm bảo rằng đất trồng của bạn có khả năng thoát nước hoặc nằm ở vị trí cao để tránh tình trạng ngập úng, sẽ khiến giun chết hoặc bỏ đi nơi khác.

– Giảm độ nén của đất: Khi đất bị nén chặt sẽ làm giun đất khó di chuyển, để tạo thuận lợi cho chúng bạn cần hạn chế việc sử dụng các phương tiện cơ giới trong khu vườn của bạn.

– Giảm mùa vụ canh tác: Việc cày xới đất thường xuyên sẽ làm giảm số lượng giun đất. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sau khoảng bốn năm, các cánh đồng lúa có số lượng giun ít hơn một nửa so với đất trồng cây lâu năm. Việc giảm mùa vụ canh tác cũng là cách bảo vệ sức khỏe của đất, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên đất.

– Bảo vệ khỏi thời tiết cực đoan: Giun đất không chịu được hạn hán và sương giá. Chúng chỉ hoạt động mạnh khi đất ẩm. Mulching là một phương pháp giúp làm giảm ảnh hưởng của khí hậu cực đoan và giữ lại độ ẩm của đất.

Edit by Saigon Greenery.

Bình luận